Trần Thị Thu Hương và Nguyễn Phùng Quang sang CHDC Đức học và làm tiến sĩ. Họ đều tốt nghiệp tại các trường ở Dresden nhưng lại quen nhau ở Việt Nam.

Học đại học năm 18 tuổi

Năm 1971, Nguyễn Phùng Quang bắt đầu theo học ngành kỹ thuật điện tại Dresden khi mới 18 tuổi. Ông đã học tiếng Đức ở Hà Nội được sáu tháng nên có thể bắt đầu việc học luôn tại trường Đại học Công nghệ Dresden (TU Dresden). Trong lớp ông còn có hai sinh viên nữa cũng đến từ Việt Nam. Cả ba luôn ngồi ở hàng ghế đầu để có thể nắm được bài. Các sinh viên Đức lớn tuổi hơn là gia sư cũng hỗ trợ họ. Nhờ đó, họ vượt qua được những khó khăn ban đầu và có kiến thức chuyên môn tốt, ông Quang nhớ lại. Có những tình bạn được ông gìn giữ từ thời điểm đó cho đến ngày nay.

Như các du học sinh khác, Quang cũng sống trong ký túc xá sinh viên. Dù thích thành phố Dresden, toàn bộ thời gian và sự tập trung được ông dành vào việc học. Sau bốn năm, ông tốt nghiệp xuất sắc ngành kỹ thuật điện và thực tập hai lần tại các xí nghiệp ở CHDC Đức. Năm 1976, ông trở về Việt Nam.

Đám cưới ở Việt Nam – Nghiên cứu ở CHDC Đức

Trần Thị Thu Hương và Nguyễn Phùng Quang gặp nhau và kết hôn tại Hà Nội. Tháng 11 năm 1979, con trai Đức Việt của họ chào đời. Khi Đức Việt bảy tuổi, bà Hương nhận được cơ hội làm tiến sĩ ngành Công nghệ Thông tin tại trường Đại học Giao thông vận tải Dresden (HfV Dresden). Vào thời điểm đó, công nghệ máy tính vẫn còn sơ khai; máy tính và công nghệ truyền thông vẫn chưa có ở Việt Nam. Bà Hương kể lại rằng ngay cả ở Đức khi ấy cũng chỉ có máy tính thế hệ đầu tiên và những chương trình phần mềm đơn giản.

Ban đầu bà cũng học tiếng Đức trong chín tháng tại Hà Nội. Sau đó, bà một mình đi đến CHDC Đức. Sau năm tháng học tiếng Đức ở Chemnitz, bà bắt đầu công việc tại trường HfV Dresden. Tại đây, bà miệt mài học ngôn ngữ lập trình Pascal. Hiện, bà đang nghiên cứu đề tài “Công nghệ truyền gói tin”, một lĩnh vực hoàn toàn mới không chỉ với bà.

 

Nguyễn Phùng Quang hồi tưởng lại buổi lễ tốt nghiệp ở trường đại học. Trần Thị Thu Hương kể về những tháng ngày đầu tiên của mình ở Đức.

Tình bạn và gia đình

Trong những ngày tháng đầu tiên ở Đức, Trần Thị Thu Hương rất nhớ con trai. Bà đã có những tình bạn đầu tiên trong thời gian này với Sabine, một đồng nghiệp làm cùng dự án tại trường đại học. Qua một bạn học người Việt của chồng, bà quen Elli Zimmermann. Người phụ nữ Đức lớn tuổi sống một mình thường mời cô sinh viên đến nhà chơi vào dịp cuối tuần ở Merseburg. Giữa họ nảy nở mối quan hệ thân thiết và ấm áp. Hương gọi bà là “người mẹ Đức của tôi”. Kết nối ấy không mất đi mà được duy trì qua những bức thư dài của bà Elli Z. gửi về Việt Nam bằng máy đánh chữ, cho đến khi bà qua đời vào năm 1993.

Tôi được mẹ cưng như con gái, đó là điều khiến tôi cảm thấy ấm áp nhất và quý vô cùng.

Trần Thị Thu Hương, Hanoi 2021

Sau hai năm, Trần Thị Thu Hương đã có thể đón con trai sang CHDC Đức vào tháng 6 năm 1988. Dù rất vui, hàng ngày bà vẫn phải đi làm ở trường. Tình cờ, bà quen gia đình Dittloff. Đôi vợ chồng có mười hai người con, trong đó có một cô con gái học cùng lớp với Đức Việt. Bà Dittloff thường mời Đức Việt về nhà và đón nhận cậu như một thành viên trong gia đình. Kể từ đó, Đức Việt dành những buổi chiều của mình với gia đình người Đức. Cậu học tiếng rất nhanh và nhờ đó mà có thể theo kịp ở trường.

Trần Thị Thu Hương kể về chuyện chăm sóc con. Nguyễn Phùng Quang chia sẻ về lý do đặt tên con là Đức Việt.

Cuộc sống của gia đình tiến sĩ ở Dresden

Tháng 9 năm 1988, Nguyễn Phùng Quang sang CHDC Đức lần thứ hai, lần này với tư cách là nghiên cứu sinh tại TU Dresden. Sau khi ông sang được vài ngày cũng là vừa tròn mười năm ngày cưới. Các đồng nghiệp từ trường đại học đã gây bất ngờ cho họ, tổ chức lễ kỷ niệm với bánh và hoa. Đa phần các mối quan hệ và tình bạn của hai vợ chồng đều đến từ môi trường học thuật, trong đó có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với gia đình Sabine S. và chồng bà. Tình bạn giữa các gia đình kéo dài nhiều năm. Sau này, khi Đức Việt du học tại Đức, gia đình họ cũng hỗ trợ anh trong suốt quá trình học tập.

Trần Thị Thu Hương và Nguyễn Phùng Quang kể về cuộc sống gia đình, và khi họ hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ.

Hoàn thành luận án tiến sĩ vào những năm cuối của CHDC Đức

Để bố mẹ có thể tập trung hoàn toàn cho công việc và thi cử, Đức Việt về Việt Nam vào năm 1989. Việc nghiên cứu của hai vợ chồng diễn ra cùng lúc với biến động chính trị tại Đức. Điều này đồng nghĩa với sự bất ổn, nhưng cũng đem tới cơ hội và những động lực mới trong công việc từ Tây Đức. Chuyến thăm đầu tiên của Nguyễn Phùng Quang đến Tây Berlin là tại thư viện của trường Đại học Kỹ thuật TU Berlin.

Nhiều bạn học đã gác lại việc nghiên cứu trong khoảng thời gian bất ổn này. Trần Thị Thu Hương vẫn cố gắng trụ lại. Sau ba năm, bà hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ vào tháng 2 năm 1990. Sau đó, bà trở về Việt Nam và làm việc tại bộ phận viễn thông của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, góp phần xây dựng mạng truyền số liệu đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1991, Nguyễn Phùng Quang cũng nhận bằng tiến sĩ và sau đó làm kỹ sư phát triển tại Metzingen. Ba năm sau, ông trở lại Dresden, được công nhận trình độ khoa học bậc cao và giảng dạy tại trường TU Dresden. Từ năm 1999, ông công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trần Thị Thu Hương và Trần Nguyễn Đức Việt trở lại Đức vào năm 1992. Bà Hương hoàn thành chương trình nghiên cứu sau đại học tại trường TU Dresden và làm công việc cố vấn Công nghệ Thông tin tại Hà Nội từ năm 1999.

Trần Nguyễn Đức Việt học ngành kỹ thuật điện tại trường TU Dresden và hiện là quản lý dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Credits:
Phỏng vấn được thực hiện bởi Prof. Dr. Phạm Quang Minh tai Hà Nội vào năm 2021.
Viết: Julia Oelkers
Nghiên cứu và thu thập ảnh: Trần Bảo Ngọc Anh
Lên kịch bản video: Julia Oelkers