Trần Thanh Hương đến Apolda năm 1987 khi mới 18 tuổi. Bà thường cảm thấy nhớ nhà. Cộng đồng người Việt và hai đồng nghiệp nữ người Đức đã giúp bà vượt qua nỗi buồn. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin khiến cho hợp đồng lao động của bà kết thúc sớm.

Nhóm người lao động

Trần Thanh Hương và các đồng nghiệp đến Apolda để làm việc trong ngành dệt may sau khi tốt nghiệp cấp ba vào tháng 10 năm 1987. Thời tiết khi đó mưa nhiều và rất lạnh. Đây là lần đầu tiên họ xa nhà và ai nấy đều thấy bất an. Trong ký túc xá năm tầng, bảy người bọn họ chuyển vào ở trong một căn hộ ba phòng. Hai trăm công nhân lao động nhập cư Việt Nam sống trong tòa nhà này, chủ yếu là các cô gái trẻ. Có hai người đàn ông Việt Nam đã sống ở Apolda một thời gian giúp đỡ Hương và nhóm của bà chuyển vào. Trong một chuyến dã ngoại, họ đã chụp lại một bức ảnh kỷ niệm khi đến nơi.

Hương (thứ ba từ phải sang) cùng những người mới đến được các thanh niên Việt Nam tiếp đón tại Đức. Bức ảnh được chụp bởi một đồng nghiệp Việt Nam ngay sau khi họ đến nơi.

Các cô gái chúng tôi dành thời gian bên nhau. Chúng tôi còn uống rượu khi tâm trạng không tốt nữa.

Trần Thanh Hương, Hanoi 2021

Đến nơi

Trong ba tháng đầu, những thanh niên Việt Nam học tiếng Đức. Dù chỉ mới tốt nghiệp xong ở Việt Nam, việc học một ngôn ngữ khác không phải chuyện dễ dàng với họ. Một tia hy vọng với họ khi ấy là những em học sinh trong vùng. “Sau giờ học, chúng tôi thường mời các em ấy qua nhà chơi, rất vui. Việc đó cũng giúp chúng tôi đỡ nhớ nhà hơn”. Sau khi khóa học tiếng Đức kết thúc, họ bắt đầu làm việc tại nhà máy dệt.

Bên nhau

Các cô gái trẻ làm việc trong ba nhà máy dệt kim của nhà nước theo ba ca. Ca đầu tiên bắt đầu lúc 5 giờ sáng và họ sẽ làm việc với các máy công nghiệp lớn. “Hầu hết các đồng nghiệp nữ người Đức đều lớn hơn chúng tôi hoặc ở độ tuổi trung niên, chúng tôi thường gọi họ là mẹ.  Còn những người khác, chúng tôi gọi họ là ‘đồng nghiệp’.“

Sau giờ làm việc, các thanh niên Việt Nam dành phần lớn thời gian với nhau. Họ nấu ăn, nghe nhạc, tìm kiếm những món ăn yêu thích, mở tiệc. Thêm vào đó, bạn bè và người thân từ nhiều thành phố khác nhau ở CHDC Đức cũng đến thường đến thăm họ. Những chuyến thăm nom này rất quan trọng và giúp họ chống lại nỗi cô đơn. Trần Thanh Hương cũng đi khắp CHDC Đức để đến thăm những người Việt khác. Trong đó có một số người có máy ảnh, họ đã chụp và in ảnh tặng các đồng nghiệp.

 

Quần áo mới, bạn bè mới

 Trần Thanh Hương và những người bạn cùng phòng dần ổn định cuộc sống. Họ không chỉ nghe những bài hát đang thịnh hành ở CHDC Đức mà cũng ăn mặc và làm tóc theo phong cách Đông Đức. Họ làm bạn với hai người phụ nữ Đức khác cũng làm trong nhà máy và cùng ca. Hai người họ chung sống với nhau khi chưa đăng ký kết hôn nên có nhiều tin đồn về họ. Với Hương và các cô gái Việt Nam khác, họ lại là những người bạn tâm giao quan trọng, thường cùng nhau ăn uống và dành thời gian rảnh rỗi bên nhau.

Hồi đó chúng tôi nghe ABBA và Modern Talking.

Trần Thanh Hương, Hanoi 2021

Hương (ngoài cùng bên trái) trong tiệc sinh nhật tại căn hộ của mình, cùng một đồng nghiệp người Việt và hai đồng nghiệp người Đức.

Ở xí nghiệp

Trần Thanh Hương kiếm được từ 500 đến 700 Mark Đông Đức mỗi tháng, tùy thuộc vào ca làm và hiệu quả công việc. Nếu ngày nào không có đủ nguyên vật liệu, hôm đó được coi như là ngày nghỉ phép để tránh bị trừ tiền lương. Hầu hết số tiền lương được Hương sử dụng để trang trải cuộc sống ở CHDC Đức, bà chỉ dành dụm được một ít để gửi về cho gia đình ở Việt Nam. Thông qua công việc trong ngành dệt may, Hương cũng tạo được các mối quan hệ với các đồng nghiệp nữ người Đức, đặc biệt là cấp trên. Bà thường mời họ đến những bữa ăn tại nhà.

 

 

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải quay về sớm như vậy và mọi chuyện lại kết thúc như thế này.

Trần Thanh Hương, Hanoi 2021

Thất nghiệp

Trần Thanh Hương trải qua bước ngoặt lịch sử ở Đức với nhiều nỗi bất an. Bà và các đồng nghiệp tiếp tục đi làm và nhận thấy những thay đổi quanh họ, nhưng lại không nhận được bất kỳ thông tin nào. Họ được khuyến khích trở về Việt Nam. Hương có hợp đồng lao động hơn năm năm. Hợp đồng của bà còn thời hạn hơn hai năm nữa. “Việc họ đề nghị chúng tôi trở về quê hương khiến chúng tôi rất buồn. Trong lúc nghĩ về những viễn cảnh khác nhau, chúng tôi cũng cố gắng tìm cách ứng phó.” Năm 1990, Hương và các đồng nghiệp bị sa thải. Trong ba tháng, bà nhận được 500 Mark mỗi tháng cho trợ cấp thất nghiệp. Kế hoạch của bà là bay về Việt Nam với một khoản trợ cấp thôi việc nhỏ. Lúc đầu, việc này tưởng chừng như không thể đối với bà. Tuy nhiên, bà không có triển vọng ở lại Apolda.

Ảnh chụp trong sinh nhật của Hương vào tháng 1 năm 1990. “Trong các bức ảnh vào thời gian này, trông chúng tôi không được tươi như mọi khi.

Mưu sinh

Sau khi hết trợ cấp thất nghiệp, Trần Thanh Hương chuyển đến Berlin và cố gắng kiếm sống bằng cách bán thuốc lá. Bà đã nhiều lần bị cảnh sát tịch thu hàng hóa và bị thua lỗ lớn. Ngày 15 tháng 10 năm 1990, bà bay về Việt Nam với số tiền bồi thường là 3000 Mark Đông Đức.

Khi được hỏi về kỷ niệm đẹp nhất trong thời gian ở CHDC Đức, Hương nói: “Điều tôi nhớ nhất là cuộc sống thoải mái, khí hậu trong lành và an sinh xã hội tốt. Tôi cảm thấy an toàn và yên tâm.”

Hiện nay, bà Trần Thanh Hương đang sinh sống tại Hà Nội.

Credits:
Phỏng vấn được thực hiện bởi Prof. Dr. Phạm Quang Minh tai Hà Nội vào năm 2021.
Viết:  Isabel Enzenbach
Nghiên cứu và thu thập ảnh: Trần Bảo Ngọc Anh
Lên kịch bản video: Isabel Enzenbach