Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Phạm Thanh Hà sang CHDC Đức học nghề. Từ năm 1975 đến năm 1978, bà hoàn thành khóa đào tạo thợ quang học chính xác tại Xí nghiệp Quốc doanh Carl Zeiss Jena. Bà trở về Việt Nam và học vật lý tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 1989, nhận lời mời từ một Hãng nghiên cứu ở Tây Berlin, bà đã sang làm việc với tư cách là cộng tác viên khoa học. Bà phải để con trai bảy tuổi của mình ở lại Việt Nam.

 

Học nghề

Mẹ của Phạm Thanh Hà là bác sĩ và là người đã chia sẻ thông tin với bà về việc bộ Y tế Việt Nam tìm kiếm lao động để đào tạo nghề tại CHDC Đức. Vì muốn ra nước ngoài sau khi tốt nghiệp trung học, bà đã nộp đơn ứng tuyển và được xét duyệt.

Trong mười một ngày, bà cùng những người Việt trẻ tuổi khác đi trên chuyến tàu liên vận qua Trung Quốc và Nga để đến CHDC Đức. Điểm đến đầu tiên là thành phố Gotha, họ đã học tiếng Đức trong vòng sáu tháng ở đây. Sau đó, họ đến Jena, nơi Thanh Hà bắt đầu quá trình đào tạo để trở thành thợ quang học chính xác. Cùng với ba cô gái khác, bà ở trong căn hộ một phòng thuộc ký túc xá dành cho người học nghề tại xí nghiệp Zeiss. Họ được căn dặn rằng không được phép có những mối quan hệ yêu đương.

Những điều kiện đặc biệt

Xí nghiệp Quốc doanh Carl Zeiss Jena là một nhà máy có truyền thống lâu đời. Công việc tại đây được đánh giá tốt và Thanh Hà tận hưởng quãng thời gian đó. Khóa đào tạo của Thanh Hà và các đồng nghiệp nằm trong chương trình hợp tác của CHDC Đức với Việt Nam. Thanh Hà và các cô gái Việt Nam khác đang theo học nghề tại Xí nghiệp Carl Zeiss Jena đã được lên báo, đi kèm với một bức ảnh của họ. Trong bức ảnh, họ đang kiểm tra kính và lăng kính. Thanh Hà hiện vẫn còn giữ bức ảnh này.

Tôi thích quá trình đào tạo.

Phạm Thanh Hà, Berlin 2022,

Quay trở lại Việt Nam

Năm 1978, Phạm Thanh Hà hoàn thành xuất sắc việc học và quay trở về Việt Nam. Ban đầu, bà là kỹ thuật viên tại Viện Vật lý, sau đó được gửi theo học ngành vật lý tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 1987, bà tốt nghiệp đại học và bắt đầu làm việc với tư cách là một nghiên cứu viên tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm khoa học Việt nam. Bên cạnh sự nghiệp, bà cũng lập gia đình và có một con trai trong thời gian này. Viện nghiên cứu nơi bà làm việc có các mối quan hệ trên toàn thế giới, Thanh Hà tham gia vào các hội nghị quốc tế.

Trở lại nước Đức

Thông qua sự hợp tác giữa Hãng kỹ thuật màng mỏng ở Tây Berlin và Viện Vật lý tại Hà Nội, Phạm Thanh Hà đã nhận được lời mời đến làm việc ở đó vào cuối những năm 1980. Một cơ hội đầy hứa hẹn cho công việc nhưng đi cùng với đó là một thử thách không nhỏ: Thanh Hà không thể mang con trai sang cùng. Dẫu vậy, bà vẫn quyết định nhận lời mời. Bà đến Berlin vào tháng 11 năm 1989, một thời gian ngắn sau khi bức tường sụp đổ.

Giữa bước ngoặt lich sử

Mặc dù trước đó đã có thỏa thuận giữa Viện Khoa học Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học (viết tắt: HLKH) ở CHDC Đức, không có ai đến đón Phạm Thanh Hà tại sân bay Berlin-Schönefeld. Sáng hôm sau, bà xuất hiện tại văn phòng Đối ngoại của Viện HLKH trước sự ngạc nhiên của vị Trưởng phòng. Sau đó, họ mới phát hiện ra tờ công văn thông báo về chuyến bay của bà nằm dưới cùng chồng hồ sơ của cô thư ký. Bà làm việc với tư cách là một cộng tác viên khoa học tại Hãng kỹ thuật màng mỏng ở Tây Berlin. Thanh Hà thường phải tự mình vượt qua những khó khăn ban đầu cũng như tự tìm hiểu về những máy móc hiện đạị của Hãng. Bà từng đứng giám sát máy móc trong hàng giờ đồng hồ. Khi có thời gian, bà đọc tài liệu chuyên ngành để làm quen, hiểu sâu và chủ động hơn với các máy móc hiện đại. Mỗi khi bà nhớ đứa con trai bé bỏng của mình, những giọt nước mắt lại rơi.

Vào tháng 5 năm 1994, Hãng nơi Phạm Thanh Hà làm việc bị phá sản. Trong những năm sau đó, Thanh Hà là nghiên cứu viên tại Viện kỹ thuật Plasma Adolf Slaby ở Đông Berlin. Khi quỹ nghiên cứu của chính phủ bị cắt giảm, một số đồng nghiệp phải rời Viện, trong đó có bà.

Thời gian đầu, tôi cũng buồn và rất nhớ nhà.

Phạm Thanh Hà, Berlin 2022

Công việc tại Reistrommel e.V.

Thanh Hà tình cờ biết đến Hội Trống cơm – Reistrommel e.V., một tổ chức hỗ trợ người Việt di cư ở Berlin. Phạm Thanh Hà làm việc ở đó với nhiều vai trò khác nhau: phiên dịch, tư vấn, dạy ngôn ngữ, hỗ trợ thanh thiếu niên và tổ chức các chương trình văn hóa.

Từ năm 2002 đến 2012, Phạm Thanh Hà đảm đương nhiều công việc trong mảng công tác xã hội, chẳng hạn như phiên dịch nội bộ và cho các cơ quan xã hội, giúp đỡ các gia đình trong việc hội nhập hoặc tư vấn và làm thủ tục cho những người tị nạn xin tự nguyện hồi hương tại Tổ chức Di cư Quốc tế IOM.

Hiện nay, Phạm Thanh Hà sống ở Berlin và là Điều phối viên tại dịch vụ đồng hành cận tử đa văn hóa Dong Ban Ja – Hiệp hội Nhân văn Đức.

Credits:
Phỏng vấn được thực hiện bởi Nguyễn Phương Thanh tai Berlin vào năm 2022.
Viết:  Isabel Enzenbach
Nghiên cứu và thu thập ảnh: Nguyễn Phương Thanh