Mona Ragy Enayat lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Cairo. Bà theo học hội họa và lịch sử nghệ thuật ở đó. Bà đăng ký học sau đại học tại Munich và Leipzig và được cả hai nơi chấp nhận. Bà quyết định chọn Leipzig và bắt đầu học tại Học viện Mỹ thuật Leipzig (HGB) vào năm 1988. Năm 1989, bà tham gia vào các cuộc biểu tình thứ Hai ở Leipzig.

Tại sao lại là Leipzig?

Mona Ragy Enayats xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Tiếp nối truyền thống gia đình, bà bắt đầu học hội họa, lịch sử nghệ thuật và thiết kế sân khấu tại Khoa Mỹ thuật của Đại học Helwan ở Cairo năm mười bảy tuổi. Năm 1987, bà tốt nghiệp với danh hiệu sinh viên xuất sắc nhất. Dẫu vậy, bà không hài lòng với tình hình trong nước. Bà nộp đơn xin học nghệ thuật ở Leipzig và Munich. Cả hai trường đại học đều chấp nhận. Bà phải đưa ra lựa chọn: Đông Đức hay Tây Đức? Bà biết đến Leipzig là một “thành phố sách” và chương trình đào tạo tại Học viện Mỹ thuật Leipzig (HGB) rất nổi tiếng; bà cũng thích phương pháp giáo dục ở đây. Trước lời khuyên của nhiều người, bà vẫn quyết định sang CHDC Đức. Bà cũng coi đó là quyết định vì lý tưởng của mình, chống lại lợi ích vật chất. Hơn nữa, bà luôn có lựa chọn quay trở lại Ai Cập.

Học tiếng Đức tại Viện Herder

Mona Ragy Enayat đã học tiếng Đức chuyên sâu ở Ai Cập. Ban đầu, bà được thông báo rằng chỉ cần hoàn thành khóa học tiếng Đức ba tháng trước khi có thể học nghệ thuật. Nhưng sau đó, bà phải học chủ nghĩa Mác-Lênin trong mười tháng nữa. Mona đã từ chối: “Tôi đã nói là mình không thể chấp nhận việc không vẽ tranh trong mười tháng. Điều này lẽ ra phải thông báo trước.” Cuối cùng, bà cũng được bắt đầu học nghệ thuật sau ba tháng.

Ký túc xá của sinh viên quốc tế

Các sinh viên nước ngoài sống trong cùng một ký túc xá. Mona nhận được học bổng là 300 Mark Đông Đức. Số tiền này không đủ để bà gọi điện về cho cha mẹ thường xuyên. Để tiết kiệm tiền, bà bỏ qua việc làm tóc; lần đầu tiên trong đời bà để tóc dài. Bà thích cuộc sống trong ký túc xá: bà được ở phòng hai giường, mặc dù phòng bốn giường với hai giường tầng đôi là phổ biến. Mỗi tầng đều có nhà bếp và nhà vệ sinh chung. Mona kết bạn với một sinh viên từ Mông Cổ và ở chung phòng với một người Ai Cập. Mọi người trong ký túc xá thường gọi nhau bằng tên quốc gia của họ.

 

Afghanistan, cậu có muối không? Mông Cổ cần ít muối để làm sốt cà chua.

Mona Ragy Enayat, Leipzig 2022

Âm nhạc và nhảy múa

Mona Ragy Enayat mang theo chiếc đàn oud của mình từ Ai Cập. Ở Ai Cập, bà cũng từng biểu diễn với tư cách là một nhạc công. Bà vui mừng khi biết rằng mình có thể tiếp tục biểu diễn ở CHDC Đức. Viện Herder tổ chức nhiều nhóm chơi nhạc và khiêu vũ biểu diễn dưới tên Ensemble Solidarität tại các địa điểm ở Leipzig. Sau này, nhóm lấy tên là World Family. Các sinh viên quốc tế thường chơi các bản nhạc từ những quốc gia khác nhau và nhảy múa trong trang phục truyền thống. Với Mona Ragy Enayat, World Family giống như ngôi nhà thứ hai, và giao lưu liên văn hóa là rất quan trọng đối với bà.

 

 

Giận dữ trước những bất công

Mona Ragy Enayat đánh giá cao nền giáo dục tại Học viện Mỹ thuật Leipzig (HGB) và đời sống văn hóa ở CHDC Đức, nhưng bà cũng hiểu những chỉ trích về hệ thống.      Bất chấp tất cả những đặc quyền bà nhận được và sự hài lòng nói chung, Mona Ragy Enayat vẫn bức xúc trước một số hành vi và tình huống nhất định. Khi bà nhận được những lá thư từ cha mình, chúng đã bị xé nhỏ. Bà phát hiện ra ban quản lý ký túc xá rình mò trong phòng mình. Bà cũng gặp phải những bất công của hệ thống: với hộ chiếu Ai Cập, bà được phép đến Tây Berlin còn bạn bè của bà thì không được. Lúc đầu, bà không muốn đi vì tình đoàn kết với họ, nhưng họ đã cho đó là ngớ ngẩn.

  Tất nhiên là cậu phải đến Tây Berlin và mang những cuốn sách về cho bọn tớ rồi!

Mona Ragy Enayat, Leipzig 2022

Các buổi biểu tình thứ Hai ở Leipzig

Mona Ragy Enayat mới sống ở CHDC Đức được một năm và bà không nghĩ mình sẽ ở lại. Tuy nhiên, vào mùa thu năm 1989, bà không hề chần chừ khi xuống đường biểu tình để ủng hộ bạn bè của mình. Trong studio, bà đã vẽ áp phích và biểu ngữ cùng bạn bè. Mona là một phần của phong trào biểu tình và luôn xuống đường biểu tình vào các ngày thứ Hai.

Không có triển vọng ở lại

Khi Bức tường Berlin sụp đổ, Mona bị mất học bổng. Tổ chức mời bà sang học mất tài trợ. Ban đầu, bà muốn dừng việc học và trở về Ai Cập. Không có tiền, bà không thấy có bất cứ cơ hội nào cho mình như là một người nước ngoài ở nước Đức vừa thống nhất. Các giảng viên và bạn cùng lớp đã thuyết phục bà ở lại: bà đã bắt đầu những sáng tác tuyệt vời và bà thuộc về nơi đây. Vì thế, bà đã tìm việc để chi trả cho việc học của mình. Vào các buổi sáng, bà làm việc tại bưu điện, và sau giờ học trên trường, bà làm việc tại phòng giữ đồ của nhà hát Opera Leipzig. Mona đã làm việc nhiều tới mức bị suy sụp.

Bằng tốt nghiệp – sau tất cả

Mona Ragy Enayat đón nhận nhiều tình cảm đoàn kết tại trường HGB. Các giáo sư khuyến khích bà hoàn thành việc học bất chấp hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ bà. Cuối cùng, bà cũng nhận được một học bổng mới và có thể tốt nghiệp cao học ngành thiết kế đồ họa vào năm 1992, dưới sự hướng dẫn của thầy Rolf Kuhrt.

 

Mona Ragy Enayat hiện sinh sống và sáng tác nghệ thuật tại Leipzig.

Credits:
Phỏng vấn được thực hiện bởi Nguyễn Phương Thúy tai Leipzig vào năm 2022.
Viết: Isabel Enzenbach
Nghiên cứu và thu thập ảnh: Nguyễn Phương Thúy