Năm 1987, Nguyễn Thị Thu Thủy đến Plauen, Saxony để làm việc trong một nhà máy bông ở tuổi mười tám. Bố mẹ chị nhờ một người bạn nữ lớn tuổi hơn đi cùng để chú ý đến Thủy. Họ lo lắng bởi dù sao Thủy cũng còn trẻ và lúc đó còn chưa biết nấu nướng.

Em út trong nhóm

Nguyễn Thị Thu Thủy nhanh chóng hòa nhập. Không giống như nhiều đồng nghiệp lớn tuổi hơn, chị không phải bỏ lại gia đình riêng của mình ở Việt Nam. Thay vào đó, chị tận hưởng sự tự do khi xa nhà. Thủy chơi với Hà, một người bạn đã quen từ Việt Nam. Chị cũng kết giao với những người bạn sống trong cùng ký túc xá. Đã có lần chị nghịch ngợm cùng Phương lén đọc thư của những người khác. Thủy muốn ra ngoài và trải nghiệm cuộc sống.

Trong ngành dệt may

Ngay sau khi đến Đức vào mùa thu năm 1987, Thủy bắt đầu làm việc tại Nhà máy bông và se sợi VEB ở Plauen. Vì có ngoại hình khá cao nên chị được phân làm công việc sản xuất cuộn sợi. Nhiệm vụ của chị là nhấc những cuộn sợi đã hoàn thành xuống và cho vào hộp bông. Mỗi ca làm việc kéo dài tám tiếng. Chị không thấy công việc đó quá vất vả.

Nhiều người đã có gia đình nên phải sang đây làm việc khiến họ rất nhớ nhà.

Nguyen Thu Thin Thuy, Berlin 2022

Không có thị trường cho kimono

Ở Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Thủy được khuyên nên mang theo những bộ kimono sang CHDC Đức để bán ở đó. Chị mang theo mười bộ nhưng không tìm được người mua. Cuối cùng, chị thử chụp ảnh mình mặc những bộ kimono này. Từ Việt Nam, mọi người trong nhóm bạn của chị đều mang theo mỗi người một vali quần áo. Chẳng mấy chốc, Thủy và các đồng nghiệp Việt Nam bắt đầu may quần áo từ ga trải giường, bán cho người Đức hoặc gửi về nước cũng với máy khâu.

Tình bạn với các đồng nghiệp

Nguyễn Thị Thu Thủy dành nhiều thời gian với bạn bè của mình, trong đó có người bạn thân là Phương và các đồng nghiệp người Việt khác. Họ cùng đi chơi, hay mời bạn bè từ các công ty khác đến ký túc xá. Họ cũng dành nhiều thời gian để may vá. Đến hiện tại, các cựu nhân viên lao động hợp tác vẫn giữ liên lạc dù họ sống ở các thành phố khác nhau. Họ cũng tới thăm nhau ở Việt Nam. Những kỷ niệm về một thời CHDC Đức là điều gắn kết họ.

Những bữa tiệc trong ký túc xá

Nhiều bức ảnh ghi lại các buổi gặp mặt ăn uống của họ. Bữa tiệc Giáng sinh đầu tiên được tổ chức bởi nhà máy. Có một bữa tiệc lớn cho sinh nhật lần thứ 20 của Thủy, và những lần khác là sinh nhật của các đồng nghiệp. Một số đồng nghiệp người Đức cũng ăn mừng cùng họ. Thủy gặp Hùng, chồng tương lai của mình ở Plauen. Thủy, Hùng và các đồng nghiệp đã hân hoan cùng nhau đón giao thừa năm 1988/89.

Chúng tôi luôn uống thẳng từ chai bia.

Nguyen Thu Thin Thuy, Berlin 2022

Bức tường sụp đổ và mang thai

Thủy có bầu năm 1989. Lúc đầu cô giữ bí mật chuyện này, giấu cái bụng đang lớn dần. Cô không muốn phải về Việt Nam sớm hơn dự định vì có thai. Mùa xuân năm 1989, một quy định mới có hiệu lực, trong đó cho phép phụ nữ Việt Nam đang mang thai được sinh con ở CHDC Đức. Trước đây, điều này bị cấm. Với Thủy, dường như mọi chuyện đã được giải quyết. Nhưng mọi thứ thay đổi khi Bức tường Berlin sụp đổ. Các nhà máy chấm dứt hợp đồng của người lao động hợp tác trước thời hạn. Bước ngoặt lịch sử này đồng nghĩa với những sự bấp bênh: điều gì sẽ xảy ra với hợp đồng lao động, quyền được ở trong ký túc xá, và quyền cư trú của họ? Công việc cùng với sự an toàn không còn. Họ phải trở về Việt Nam càng sớm càng tốt. Những công nhân lao động hợp tác đầu tiên đã được gửi trở lại đất nước của họ vào mùa đông năm 1989 mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào.

Trở về sớm

Thủy và Hùng kết hôn. Tình hình ở Đức trở nên ngày càng căng thẳng. Những người lao động hợp tác Việt Nam chia thành ba nhóm: nhóm thứ nhất là những người có con ở Việt Nam sẽ về nước. Tiếp theo là những người có vợ hoặc chồng ở Việt Nam. Nhóm thứ ba, những người không có con hoặc bạn đời ở Việt Nam, là nhóm có khả năng ở lại CHDC Đức. Các công nhân Việt Nam cũng chia sẻ nỗi bất an với lao động hợp tác đến từ các quốc gia khác. Thuỷ và những người Việt Nam còn lại ở Plauen kết nối với những đồng nghiệp đến từ Mozambique. Vào mùa đông năm 1989/90, nhiều người trong số họ cũng bị trục xuất về nước trước thời hạn. Thủy lần lượt tiễn những người bạn của mình ra sân bay để trở về Việt Nam. Thủy xoay xở để ở lại. Năm 1991, chị chuyển đến Frankfurt an der Oder cùng với Hùng và con.

Nguyễn Thị Thu Thủy tiễn một người bạn trở về Việt Nam tại sân bay Berlin-Schönefeld năm 1990.

Hiện nay, Nguyễn Thị Thu Thủy sống ở Berlin.

Credits:
Phỏng vấn được thực hiện bởi Nguyễn Phương Thanh tai Berlin vào năm 2021.
Viết: Isabel Enzenbach
Nghiên cứu và thu thập ảnh: Nguyễn Phương Thanh