Thông tin dự án

Tại sao có De-Zentralbild?

Những hình ảnh về cuộc sống hàng ngày của các cựu công nhân lao động hợp tác, sinh viên nước ngoài hoặc người di cư chính trị ở Cộng hòa Dân chủ Đức (viết tắt: CHDC Đức) hầu như không được biết đến. Những bức ảnh cũ đôi khi bám bụi trong ngăn kéo và album các gia đình. Chúng hiếm khi được xuất hiện trong các ấn phẩm sách báo, trong các viện bảo tàng hay kho lưu trữ, dù chúng mở ra những góc nhìn quan trọng về lịch sử di cư ở CHDC Đức.

Kho lưu trữ và triển lãm trực tuyến De-Zentralbild giới thiệu những bức ảnh cá nhân của những người sống ở CHDC Đức từ năm 1957 đến 1990. Những hình ảnh này đi liền với ký ức về những khoảnh khắc được ghi lại, cũng như câu chuyện về cuộc sống ở CHDC Đức. De-Zentralbild cho ra mắt và lưu giữ những tư liệu ảnh về chân dung đời sống thường nhật của những người di cư đến CHDC Đức, những khoảnh khắc riêng tư và trong ký ức tập thể. De-Zentralbild cũng thu thập hình ảnh và câu chuyện của những người hồi hương tự nguyện hoặc không tự nguyện. Tư liệu của họ cũng đóng vai trò là một phần của lịch sử di cư tại Đức.

Những hình ảnh và thông tin của các nhân vật đã được đồng ý cho phép lưu trữ vĩnh viễn tại DOMiD e. V. – Trung tâm Tư liệu và Bảo tàng Di cư ở Đức.

Zentralbild và De-Zentralbild

Zentralbild, cơ quan nhiếp ảnh của Cộng hòa Dân chủ Đức được thành lập vào năm 1952. Cơ quan này có liên kết với hãng thông tấn ADN (Allgemeine Deutscher Nachrichtendienst) của CHDC Đức và chuyên cung cấp tư liệu cho hầu hết các tờ báo quốc gia. Kho ảnh của Zentralbild cho thấy nhà nước CHDC Đức không coi nó là một quốc gia nhập cư. Việc di cư được coi là một giai đoạn tạm thời, và những người nhập cư trước hết phải đáp ứng được các mục đích chính trị, kinh tế cũng như ý thức hệ trong thời gian họ sinh sống tại CHDC Đức.

Các nhiếp ảnh gia của Zentralbild cũng cần chú ý đến những mục đích này khi chụp ảnh người di cư ở CHDC Đức. Các tư liệu từ kho lưu trữ của Zentralbild hiếm khi cho thấy đời sống thường nhật của những người di cư, hay có thể gọi họ là “Ossis of Color” (tạm dịch: người Đông Đức da màu hay những người nước ngoài sống ở Đông Đức). Thay vào đó, ta thường thấy hình ảnh các sinh viên quốc tế học tập chăm chỉ bên nhau, hay những đồng nghiệp người Đức đang hướng dẫn và đào tạo cho các công nhân lao động hợp tác trong nhà máy công nghiệp hiện đại. Hình chụp bởi những nhiếp ảnh gia Zentralbild thường nhằm minh họa cho tình đoàn kết quốc tế. Cho đến nay, chúng vẫn còn phổ biến và được sử dụng miễn phí cho mục đích khoa học hay giáo dục chính trị.

E. sẽ kết thúc công việc của mình tại Cộng hòa Dân chủ Đức trong năm nay và trở về quê hương.

Từ chú thích gốc của những bức ảnh thuộc Zentralbild 183-1984-0720-014

De-Zentralbild đảo ngược lại góc nhìn: chúng tôi thu thập và giới thiệu những bức ảnh cá nhân trong quá trình di cư tại CHDC Đức. Trưng bày trực tuyến mang tới các bức ảnh đi cùng ký ức của những người hiện đang sống ở nhiều nơi trên thế giới. Câu chuyện di cư được phi tập trung hóa và có thể truy cập với năm phiên bản ngôn ngữ khác nhau.

Những bức ảnh cá nhân có thể được hiểu là những bức ảnh thuộc sở hữu riêng. Thông thường, không dễ để biết được lai lịch xuất xứ của chúng, hay chúng được chụp bởi ai. Ngay cả khi nhiều hình ảnh trong số đó do các sinh viên, người lao động hợp tác, hoặc người xin tị nạn ở CHDC Đức tự chụp, ta thường không thể lần ra nguồn gốc của bức ảnh sau khoảng thời gian dài. Các bộ sưu tập ảnh tư nhân, phi kỹ thuật số thường gồm các ảnh được chụp bởi nhiều người khác nhau: tự chụp, bởi người thân và bạn bè, chụp chuyên nghiệp trong studio hoặc bởi nhiếp ảnh gia đám cưới. Một số cựu công nhân lao động hợp tác sở hữu những bức ảnh mà có lẽ được chụp bởi nhiếp ảnh gia xí nghiệp hoặc các thành viên trong nhóm nhiếp ảnh ở các nhà máy, xí nghiệp thuộc CHDC Đức.

Ngay cả những bức ảnh cá nhân cũng không hoàn toàn cho thấy “khi ấy từng thế nào”. Chúng cũng ra đời với mục đích cụ thể, chủ yếu là để tạo ra những kỷ niệm đẹp.[1] Do đó, có những mô-típ điển hình trong bộ sưu tập ảnh cá nhân của các cá nhân đóng góp ảnh, chẳng hạn như ảnh chụp chân dung trước khi họ bước sang một chương mới trong cuộc đời, các thời khắc đặc biệt, lễ kỷ niệm hoặc những chuyến du lịch, những giây phút ý nghĩa bên ngoài công việc, tình bạn. Sau này khi nhìn lại, các bức ảnh mang lại cảm xúc tốt đẹp, đúng như mục đích chúng được tạo ra. Tuy nhiên, mô-típ của một hình ảnh không cho biết đủ về hoàn cảnh ra đời cũng như ý nghĩa của nó.

Dẫu vậy, cũng có những bức ảnh của người di cư đến CHDC Đức cho thấy sự cô đơn, việc họ phải tự lực cánh sinh hoặc phụ thuộc vào đồng nghiệp, lao động chân tay, khi họ phải tham gia vào những sự kiện nhàm chán, hoặc sự đau khổ. De-Zentralbild thu thập những bức ảnh khác nhau, bởi chủ nhân của chúng sống trong những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Lịch sử di cư của CHDC Đức, do đó, mang một bộ mặt đa diện và mâu thuẫn.

Những câu chuyện đã cũ hay câu hỏi thời sự?

Một phỏng vấn với Patrice G. Poutrus

Patrice G. Poutrus là Tiến sĩ Lịch sử. Ông nghiên cứu lịch sử kinh tế – xã hội của Cộng hòa Dân chủ Đức, về di cư và tị nạn của hai nhà nước Đức trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, những ký ức về sự kết thúc của nhà nước Đông Đức, cũng như biến động chính trị và sự chuyển đổi diễn ra ở Đông Đức. Ông hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành về Phụ nữ và Giới tại trường Đại học Kỹ thuật Berlin.

Isabel Enzenbach: Theo ông, việc thảo luận lại câu chuyện di cư thời CHDC Đức có ý nghĩa gì ở thời điểm hiện tại?

Patrice G. Poutrus: Với tất cả những nhà nước được vận hành như một quốc gia-dân tộc – các nhà lãnh đạo SED muốn Cộng hòa Dân chủ Đức được nhìn nhận như thế – di cư và những thay đổi xã hội kéo theo đã và luôn là một thách thức chính. Vấn đề tị nạn và nhập cư buộc các quốc gia phải đặt ra những tiêu chí xác định sự thuộc về và không thuộc về, theo đó là các quy định có tác động đến cả người nhập cư, người dân địa phương và chọn lựa hành động của họ.

Vấn đề này đã diễn ra một cách đáng chú ý với CHDC Đức. Và mặc dù nhà nước này rõ ràng là một xã hội di cư hơn là một xã hội nhập cư, chính phủ SED vẫn phải đối mặt với thách thức ấy trong những năm tháng tồn tại cuối cùng của nó.

Hiểu biết về các điều kiện này, trong tính cụ thể lẫn liên tục của chúng từ lịch sử CHDC Đức, giúp chúng ta hiểu được các xung đột hiện tại ở Đông Đức về tị nạn và di cư.

IE: Trọng tâm phê bình của ông về chế độ di cư của nhà nước Đông Đức là gì?

P.G.P.: Về mặt chính trị, phê bình của tôi hướng tới việc các điều kiện di cư ở Cộng hòa Dân chủ Đức không dựa trên các nguyên tắc như chủ nghĩa quốc tế, tình đoàn kết và tình hữu nghị giữa các quốc gia. Tuy nhiên, lại không thiếu những tuyên bố như thế được đưa ra bởi đại diện của nhà nước SED về di cư lao động. Các quyết định được đưa ra trong bối cảnh này, cùng lúc, được hình thành từ việc khai thác sự phụ thuộc chính trị, những giả định về tiện ích kinh tế, cũng như – theo một cách ngầm định và đôi khi rõ ràng – từ chủ nghĩa Sô vanh và sự phân biệt chủng tộc từ phía CHDC Đức.

Điều đó có thể và được chấp nhận phần nào bởi những người đến từ các khu vực phải chịu khủng hoảng và có chiến tranh; chuyện này cũng dể hiểu. Tuy nhiên, từ góc độ hậu thuộc địa và nhân quyền, thực tiễn di cư của nhà nước SED chỉ là một trường hợp khác, dẫu đáng chú ý, về tiêu chuẩn kép được thực hiện đối với những người di cư đến từ Nam bán cầu.

I.E.: Ông thấy được mối liên hệ nào giữa lập trường của chế độ – xã hội Đông Đức ngày ấy và nạn phân biệt chủng tộc ngày nay, với sự bạo lực mà người di cư ở Đông Đức phải chịu? Hay, khi chúng ta nói đến một xã hội nhập cư tự do và cởi mở, thì những vấn đề “của toàn nước Đức” quan trọng hơn vấn đề này?

P.G.P.: Tranh luận về điều kiện sống ở Đông Đức, không chỉ trong bối cảnh di cư, được đặc trưng bởi một nghịch lý khác thường: người ta thường nhắc đến một thời quá khứ tốt đẹp đã qua và mọi chỉ trích đến quan điểm này sẽ bị lên án là phương pháp SED/MfS. Theo tôi, đó là một ngõ cụt về chính trị xã hội cũng như cho văn hóa tưởng nhớ. Về cơ bản, tôi cho rằng không có ‘điểm kết thúc’ của nhà nước Đông Đức và người Đông Đức vào năm 1990, cũng như không có một ‘điểm kết thúc’ vào năm 1945 vậy. Tuy nhiên, mọi người thường phản ứng lại với những thay đổi chóng mặt theo thói quen cũng như thử những cách thức mới. Phản ứng của họ có thể trở nên cực đoan, nhưng chúng không đơn thuần phát sinh từ hoàn cảnh, và đó là lý do tại sao chúng được truyền qua các thế hệ.

Giả định rằng con người phản ứng lại theo phản xạ trước các kích thích hoặc tác động bên ngoài là có vấn đề; nó quá đơn giản và không tính đến yếu tố lịch sử. Theo nghiên cứu di cư từ góc độ văn hóa, những người đứng giữa thay đổi lớn về kinh tế và xã hội có xu hướng dựa vào hiểu biết truyền thống và tập quán văn hóa của họ, hay nói cách khác là củng cố chúng. Theo đó, tôi tin rằng người di cư, người Đông Đức nói riêng và con người trong tình huống khủng hoảng nói chung không, không phải những con robot sau khi xã hội được thiết lập lại; hành vi của họ đã được định hình theo lịch sử.

Những diễn giải ở thời điểm hiện tại phủ nhận hoặc từ chối quan điểm này đều không nhằm đưa ra giải thích mang tính phê phán về các điều kiện xã hội, mà hướng đến việc biện minh cho bản sắc chính trị của chúng. Biện minh này, tuy nhiên, là một mô hình hành động đặc biệt có truyền thống lâu đời trong lịch sử gần đây của nước Đức.

IE: Một trong những cựu công nhân lao động hợp tác người Mozambique hiện đang làm việc ở Nam Phi đã kể lại rằng các đồng nghiệp không tin vào những câu chuyện thời Đông Đức của ông. Với họ, không thể có chuyện đi máy bay từ một nước châu Phi đến châu Âu, ngay lập tức có giấy phép lao động và chỗ ở tử tế với một ít tiền.

IE: Vì thế, tôi muốn hỏi rằng: Liệu đây có phải là một thời kỳ khép kín, một mô hình di cư cho thấy sự tương phản đáng ngờ với các vấn đề hiện tại?

P.G.P.: Một điều chắc chắn là thời kỳ di cư lao động nửa tự do từ châu Phi sang châu Âu đã qua từ vài thập kỷ trước. Dẫu vậy, các hiệp định song phương như giữa CHDC Đức và Angola có thể được nhìn, từ một góc độ trừu tượng, như là một phần của chế độ di cư biệt lập này. Di cư lao động ở CHDC Đức diễn ra khi việc tìm nhân công gần như đã chấm dứt hoàn toàn ở Tây Âu.

Các điều kiện di cư được mô tả ở trên nằm trong hệ thống kiểm soát và chọn lựa rất ngặt nghèo của nhà nước SED. Chúng thường mang tính tạm thời và cung cấp cho người di cư lao động mức sống cá nhân từ thấp cho đến không có quyền lợi nào. Theo nghĩa đó, thực tiễn di cư lao động ở CHDC Đức được coi là một mô hình có thể chấp nhận được với các chính trị gia bảo thủ trong nước ở cả nhà nước Cộng hòa Liên bang cũ lẫn hiện tại. Với các nhân chứng đương thời thấy rằng những điều kiện di cư ở Đông Đức là chấp nhận được, trái ngược với những phát triển gần đây hơn, không phải là một công lao của nhà nước SED.

I.E: Một số người mà chúng tôi phỏng vấn đã say sưa kể về cuộc sống của họ ở Cộng hòa Dân chủ Đức và điều kiện sống ở đó. “Những năm tháng đẹp nhất cuộc đời chúng tôi” là một minh chứng. Ông hiểu những nhận định này như thế nào?

P.G.P.: Chủ đề “Những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời chúng tôi” đã và luôn hiện diện trong ký ức của những người đã sống qua các “thời kỳ cực đoan”. Ta có thể bắt gặp câu nói này ở những cựu chiến binh đã trải qua chiến tranh thế giới hay các cuộc cách mạng, ở những người ủng hộ những chế độ độc tài đã bị đánh bại, thậm chí ở những người là nạn nhân của các hình thức cai trị hiện đại này.

Về phương diện đó, nhận định của người lao động nhập cư ít gây ngạc nhiên hơn và trên hết, nó tiết lộ điều gì đó về chặng đường mâu thuẫn, đầy khó khăn của họ. Thấy trước mắt mình là cơ hội, người ta sẽ cảm giác dễ chịu hơn là đánh mất chúng. Là một nhà sử học, tôi cho rằng việc phản đối hay biện hộ cho những nhận định mang tính tiểu sử của các chứng nhân thời đại là không nên. Theo tôi, thách thức nằm ở việc đặt những trải nghiệm cá nhân và điều kiện xã hội trong mối tương quan hợp lý, thay vì bù trừ chúng lẫn nhau.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện dưới dạng văn bản vào tháng 5 năm 2023.

Đội ngũ thực hiện

Những người đứng sau dự án De-Zentralbild bao gồm:

Lên ý tưởng và chỉ đạo nghệ thuật
Tiến sĩ Isabel Enzenbach, Julia Oelkers

Thực hiện nghiên cứu và phỏng vấn

Ở Mozambique
Catarina Simão, Julia Oelkers

Ở Việt Nam
Trần Bảo Ngọc Anh, GS.TS Phạm Quang Minh

Ở Cuba
Elaine del Valle Cala, Isabel Enzenbach

Ở Đức
Nguyễn Phương Thúy, Nguyễn Phương Thanh, Jessica Massóchua, Julia Oelkers, Isabel Enzenbach

Viết và biên tập
Isabel Enzenbach, Julia Oelkers

 Thiết kế
Zoff Kollektiv
Thiết kế logo: Elena Albertoni

 Lập trình
Marc Wright

 Biên tập ảnh:
Hermann Bach, Umbruch Bildarchiv

 

Videos

Ở Mozambique
Đạo diễn/Phỏng vấn: Catarina Simão
Quay phim/ Thu âm: Amâncio Mondlane, Humberto Notiço, John Pitta

 Ở Việt Nam
Đạo diễn /Phỏng vấn: GS.TS Phạm Quang Minh
Quay phim/ Thu âm: Lê Ngọc Anh

 Ở Cuba
Đạo diễn/Phỏng vấn: Elaine del Valle Cala, Havana
Quay phim/ Thu âm: Luis A. Guevara Polanco, Klaus Westermann, Alfonso Fontenla, José Armando Amat
Sản xuất: Juan Caunedo Domingos, Elaine del Valle Cala (Nhà sản xuất Champola)

Ở Đức
Đạo diễn/Phỏng vấn: Julia Oelkers, Nguyễn Phương Thúy, Jessica Massóchua
Quay phim/ Thu âm: Arne Janssen, Lars Maibaum, Thomas Walther, Olaf Bublitz
Kỹ thuật: Robert Jahn

Ảnh động/Ảnh ghép
Ảnh động: Zoff Kollektiv
Ảnh ghép: Nguyễn Phương Thanh
Thiết kế âm thanh: studio lärm

Biên tập
Lucian Busse

Dịch thuật
Văn bản: Birgit Kolboske, Lưu Bích Ngọc, Ngọc Mai, Maria-João Manso, Fernando de Almeida, Iveth Cuenca González

Video: Babelfisch Translations

Quản lý nội dung
Mimosa Akbal

Hiệu đính
Katharina Wuestefeld 

Tư vấn tài chính
Niels van Wieringen

Giám đốc sản xuất
Thomas Walter

Chúng tôi trân trọng cảm ơn những cá nhân sau đã chia sẻ kỷ niệm, những bức hình và tư liệu của họ:

Amílcar Cubillo Medrano, Amissina Namagere Selemane, Annette Hannemann, Augusto Jone Munjunga, Bobby Díaz Gurriel, Đặng Thị Thìn, Danilo Starosta, Esmireldis Navarro de la Cruz, Francisca Raposo, Geraldo Paunde, Humberto Cala Pérez, Ibraimo Alberto, Jesús Ismael Irsula Peña, Kostas Kipuros, Mansar Asisi, Mona Ragy Enayat, Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phạm Thanh Hà, Regina Veracruz, René Castellano Ponce, Sergio Majope, Tanju Tügel, Teresa Cossa, Tomás Django, Trần Thanh Hương, Trần Thị Thu Hương và Nguyễn Phùng Quang, Vũ Thanh Điệp, Warter Hechavarría Duany, Yolanda Cuesta Osloal

Chúng tôi trân trọng cảm ơn

 Zoff Kollektiv, De-Zentralbild sẽ không thể thành hình nếu không có nỗ lực sáng tạo và lên ý tưởng xuất sắc của các bạn, cũng như Marc Wright vì sự hợp tác tận tâm. Cảm ơn Aghi cho những trao đổi và hỗ trợ về mặt tư liệu hình ảnh, Bengü Kocatürk-Schuster, Tiến sĩ Robert Fox và Tiến sĩ Katrin Schaumburg từ DOMiD e.V. là tổ chức sẽ lưu trữ và phân phối các bức ảnh về lâu dài. Chúng tôi xin cảm ơn Elaine del Valle Cala và Champolafilms, Felix Zühlsdorf và Dieter Müller (ở Cuba), Catarina Simão và Caroline Brugger (ở Mozambique), cũng như Philip Degenhardt và Trần Bảo Ngọc Anh (ở Việt Nam) cho sự hỗ trợ quý báu về mặt nghiên cứu, ghi hình và biên tập tại nước sở tại. Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới GS. TS. Patrice Poutrus và GS. TS. Maisha M. Auma, GS. TS. Hanna Meissner, Peggy Piesche và TS. Jane Weiß.

Chúng tôi cảm ơn các tổ chức tài trợ và các đối tác vì sự hợp tác chung và hỗ trợ hào phóng: đến phần Impressum.