Danilo Starosta lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở bang Saxony vào những năm 1960 và 1970. Mẹ ông là sinh viên, cha ông nhân viên hợp đồng. Trước khi Danilo chào đời, cha ông phải quay trở về Mông Cổ. Danilo dành phần lớn thời thơ ấu của mình với ông bà ngoại.

Những năm 1960 ở thị trấn

Danilo Starosta sinh năm 1965 ở Freital. Mẹ ông học kinh tế và sau đó làm việc với chức vụ quan trọng tại nhiều công ty khác nhau. Cha ông thuộc một nhóm công nhân hợp tác lao động người Mông Cổ đến CHDC Đức năm 1962 để học nghề kỹ thuật. Ông được thuê làm phiên dịch viên tại Xí nghiệp Đồ họa Hữu nghị ở Dresden. Trong một thời gian dài, Danilo chỉ biết cha mình qua một bức ảnh.

Cuốn sách ảnh tuổi thơ

Danilo Starosta lớn lên với ngoại hình của một đứa trẻ châu Á, thiếu hình bóng người cha, trong một gia đình da trắng và như ông miêu tả, “rất tiểu tư sản”, ở một thị xã thuộc Saxony. Quá trình trưởng thành của ông khi còn nhỏ được ghi lại trong nhiều bức ảnh. Mẹ ông đã cẩn thận sắp xếp chúng trong một cuốn album. Ông nội Kurt Klämbt thường dẫn cháu trai đến studio ảnh. Một lý do khác cho những bức ảnh là để gửi chúng cho cha của Danilo ở Mông Cổ. Ông nội Kurt Klämbt có một chiếc máy ảnh riêng và là người chụp hầu hết các ảnh gia đình – do đó, hiếm khi thấy ông ấy trong các tấm ảnh.

Ông bà của Danilo là những người có chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng Freital. Người ông điều hành một nhà hàng địa phương cho khách du lịch. Người bà là một thợ sắp chữ và làm nội trợ sau khi sinh sáu người con. “Ông tôi là một người có tiếng trong thị trấn“, Danilo Starosta kể. Danilo rất thân thiết với ông bà mình, đặc biệt là với bà. Họ chăm sóc Danilo vì trường mẫu giáo không nhận ông. Các giáo viên cảm thấy họ không thể giúp ông hòa nhập. Mọi người đều lo rằng cậu bé sẽ bị bắt nạt. Do đó, Danilo hiếm khi chơi cùng những đứa trẻ cùng tuổi cho đến khi bắt đầu đi học.

Tôi bị phân biệt như một đứa trẻ nước ngoài điển hình.

Danilo Starosta, Dresden 2022

Danilo Starosta kể về những trải nghiệm phân biệt chủng tộc của mình ở trường và các giải thưởng từ lễ hội hóa trang thiếu nhi.

Quần áo làm nên con người

Tại các lễ hội hóa trang, Danilo Starosta ghi điểm trong những bộ trang phục do người lớn chọn cho ông. Ông đã nhiều lần giành được giải thưởng cho trang phục đẹp nhất của người “Trung Quốc” hay “Thổ Nhĩ Kỳ”. Năm ông mười tuổi, bà may cho ông bộ trang phục mơ ước “Chàng lính ngự lâm”. Năm đó, ông lại không giành được giải thưởng.

Chỉ cần không nổi bật

Với hy vọng bảo vệ Danilo không bị phân biệt, gia đình thường cho ông mặc những bộ trang phục truyền thống và đặc trưng của “Đức”. Họ hy vọng chúng sẽ giúp cho ông đỡ bị chú ý hơn. Mái tóc đen được giấu dưới mũ vành hay mũ lưỡi trai. Nhưng những đứa trẻ khác không mặc quần áo như thế, chúng còn cho đó là “cổ lỗ sĩ”. Do đó, thay vì hòa nhập vào với mọi người, Danilo lại càng nổi bật hơn với quần da và áo khoác loden.

Khi Danilo Starosta bắt đầu đi học, ông đã có thể viết và làm toán. Chỉ có điều ông không biết chơi bóng ném hoặc bóng đá trong một đội. Tinh thần tập thể mà những đứa trẻ khác đã được học ở trường mẫu giáo lại là điều mới mẻ đối với ông. Ông bỡ ngỡ với những người bạn đồng trang lứa. Theo khuyến nghị của giáo viên, ông cũng không đến trung tâm chăm sóc ban ngày mà được đón sau giờ học. Điều này là để bảo vệ ông khỏi bị trêu chọc bởi những đứa trẻ khác. Một điều tích cực trong lúc ấy là cô giáo của ông, bà Rautenstrauch. “Bà ấy không quan tâm tôi trông như thế nào“, Danilo Starosta kể lại. Bà dẫn dắt nhóm kịch và cùng với ông đóng vai chính trong các vở kịch. Ông không nói tiếng địa phương Saxon và có khả năng ghi nhớ nhiều văn bản một cách nhanh chóng. Bà đã giới thiệu với ông một thế giới mới bên ngoài gia đình mình.

Tôi lớn lên đằng sau một bộ mặt rất tiểu tư sản.

Danilo Starosta, Dresden 2021

Danilo kể về em trai và mối quan hệ thân thiết với bà ngoại Lisbeth.

Chuyến dã ngoại ngày Chủ nhật

Danilo Starosta kể rằng ông bà mình rất thích bức ảnh này. Trong ảnh, gia đình đang ở điểm đến yêu thích của họ.

“Khung cảnh này, đường Prager với đài phun nước bồ công anh. Nó là sự xác nhận của thế hệ khi ấy rằng chủ nghĩa xã hội không hoàn toàn sai. Chủ nghĩa Quốc xã rõ ràng là sai. Nhưng còn chủ nghĩa xã hội: không khí, ánh sáng, bạn có thể đi bất cứ đâu, bạn không cần phải có nhiều tiền để cảm thấy thoải mái. Điều đó vô cùng quan trọng cho thế hệ khi ấy. (…) Bạn luôn có thể tỏ ra mình là tiểu tư sản, một cái mác điển hình. Chúng tôi không có tiền, hoặc rất ít tiền, nhưng mọi thứ vẫn ổn. Bạn vẫn có thể ra ngoài và ăn kem với con cháu mình ở Café Prag”, Danilo Starosta kể lại.

Sách là cứu cánh

Danilo ngấu nghiến những cuốn sách. Qua các tác phẩm của Chinghiz Aitmatov, ông phát hiện ra những vị anh hùng trông giống mình. Đó là lần đầu tiên ông có thể xác định danh tính của mình. Những liên hệ với người lính Liên Xô cũng rất quan trọng đối với ông. “Có rất nhiều gương mặt châu Á ở đó và họ chào tôi. Có thể họ nghĩ tôi là con của một trong số họ.”

Ở tuổi niên thiếu, Danilo bắt đầu chống lại sự kỳ thị. Cùng với những người khác, ông tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc của tân Quốc xã. Đối với ông, thập niên 90 đã trôi qua vô cùng bạo lực.

Danilo Starosta trở thành một nhân viên công tác xã hội. Ông cam kết với quá trình giải phóng và chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Dù không được gặp cha mình, ông giữ mối quan hệ mật thiết với các chị em gái ở Mông Cổ.

Danilo Starosta hiện đang sinh sống tại Dresden và làm việc cho Phòng Văn hóa bang Saxony.

Credits:
Phỏng vấn được thực hiện bởi Julia Oelkers tai Dresden vào năm 2022.
Viết: Julia Oelkers
Nghiên cứu và thu thập ảnh: Nguyễn Phương Thúy
Lên kịch bản video:  Julia Oelkers