Vũ Thanh Điệp đến thành phố Werdau vào tháng 9 năm 1987 để làm việc trong ngành dệt may tại bang Saxony. Vào thời điểm đó, nhiều công nhân hợp tác lao động Việt Nam đang làm việc trong các nhà máy dệt may của thành phố.

Trong ngành dệt may

Bà Vũ Thanh Điệp chưa mường tượng được chính xác cuộc sống ở CHDC Đức sẽ như thế nào. Bà chỉ biết rằng người ta cần đến nhân công lao động. Sau khi đọc hợp đồng, bà tự tin mình có thể làm được việc. Khi đó, bà vẫn còn trẻ. Trước khi đi, các công nhân lao động hợp tác tương lai được phát một vali đầy quần áo. Từ sân bay Schönefeld, họ bắt xe buýt đến Werdau. Khi đến nơi, họ nhận được một vali quần áo khác. Nhà máy phát cho họ mỗi người một chiếc áo khoác mùa đông màu đỏ giống nhau. Các cô gái ở trong một kí túc xá tại thị trấn nhỏ, còn nơi làm việc của họ cách thành phố Treuen một giờ đi xe buýt. Hàng ngày, họ làm việc theo hai ca. Khi đến nhà máy, tài xế xe buýt sẽ đánh thức họ dậy.

Những bức ảnh đầu tiên

Họ đã chụp những bức ảnh đầu tiên ngay sau khi đến Đức. Bà Vũ Thanh Điệp mang theo tấm ảnh hộ chiếu được chụp ở Sài Gòn sang CHDC Đức, còn một bức ảnh chân dung mới thì do một người bạn Việt Nam cùng ký túc xá chụp cho bà. Bức ảnh cho thấy Điệp khi còn là một công nhân hợp tác trẻ ở CHDC Đức. Những bức ảnh khác ghi lại các chuyến đi chơi đến thị trấn Werdau và vào rừng.

Buổi chiều cô đơn

Vào một ngày thứ Bảy, tháng 7 năm 1988, khi bà Vũ Thanh Điệp đã ở CHDC Đức được gần một năm, bà đã chụp lại một loạt các bức ảnh. Một bức ảnh chụp bà bên cạnh đồng nghiệp trong bữa tiệc sinh nhật của cô ấy. Hai bức ảnh khác chụp bà Điệp ngồi một mình bên cây đàn guitar của bạn cùng phòng. Đằng sau tấm ảnh mà bà đang ngồi trên giường có ghi lời nhắn nhủ đến gia đình: „Đây là căn phòng chỗ ngủ của con đó. Tấm hình này con chụp ngày cuối tuần là thời gian rảnh con cảm thấy thiếu sự đầm ấm của ba mẹ và chị của 2 em. Chiều buồn thứ 7, 30.7.88“. Trong lần về nhà ở Hà Nội sau này, bà đã mang bức ảnh trở lại Saxony. Bà sợ rằng nó sẽ bị mốc ở Việt Nam do độ ẩm cao.

... con cảm thấy thiếu sự đầm ấm của ba mẹ và chị của 2 em.

Vu Thanh Diep an die Eltern, Werdau, 1988

Sinh nhật và Tết

Sinh nhật và lễ Tết là những khoảng nghỉ quan trọng trong cuộc sống lao động hàng ngày của công nhân Việt Nam. Theo thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và CHDC Đức, người lao động hợp tác được nghỉ Tết Nguyên đán một ngày có lương. Nhà máy của bà Vũ Thanh Điệp đã tổ chức tiệc mừng, có ca nhạc và cả khen thưởng cho những thành tích lao động xuất sắc, sau đó mọi người cùng nhảy múa với nhau. Bà Điệp có bài phát biểu cảm ơn vào dịp Tết đầu tiên tại CHDC Đức, có một người ở xưởng giúp bà phiên dịch lại. Bà cũng là người mà các đồng nghiệp nữ sẽ tìm đến khi có vấn đề xã hội nào đó.

 

 

Bước ngoặt năm 1989/90 và kết thúc sớm hợp đồng

Khi Bức tường Berlin sụp đổ, cuộc sống của bà Vũ Thanh Điệp và các đồng nghiệp thay đổi hoàn toàn. Nhiều đồng nghiệp của bà mất việc làm và chịu sức ép từ nhà máy phải trở về Việt Nam. Bà Điệp ở lại, nhưng giờ chỉ còn có một mình. Bà phải nói lời tạm biệt với nhiều người bạn và tiễn họ tại sân bay Schönefeld trong buồn bã.

 

Mỗi người chọn lựa cho mình một cuộc sống riêng và ta phải chấp nhận nó.

Vu Thanh Diep, Werdau, 2022

Bà Vũ Thanh Điệp hiện đang sống tại thành phố Werdau.

Credits:
Phỏng vấn được thực hiện bởi Nguyễn Phương Thanh tai Werdau vào năm 2021.
Viết: Isabel Enzenbach
Nghiên cứu và thu thập ảnh: Nguyễn Phương Thanh