Augusto Jone Munjunga là một nhân viên tài chính ở Angola. Khi tới CHDC Đức, ông muốn đủ điều kiện để vào đại học. Vì vậy, ông đăng ký trở thành công nhân hợp tác lao động để đến CHDC Đức vào năm 1987. Ông được phân công đến Xí nghiệp Tổ hợp giết mổ và chế biến thịt ở Eberswalde. Chính tại đây, vào năm 1990, người bạn Amadeu Antonio của ông bị sát hại bởi một nhóm thanh niên phân biệt chủng tộc. Jone vẫn ở lại Eberswalde. Ông không từ bỏ thành phố lại cho những kẻ phân biệt chủng tộc và phe cánh hữu.

Ở khu lò mổ

Augusto Jone Munjunga được đào tạo để trở thành nhân viên tài chính và làm việc trong một bộ của Angola. Kể từ khi giành được độc lập khỏi Bồ Đào Nha vào năm 1975, Angola luôn trong tình trạng nội chiến [1]. Đất nước thiếu những chuyên gia Angola được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm quốc tế. Jone muốn nâng cao trình độ học vấn của mình và ông đủ điều kiện để lấy bằng đại học. Việc sang CHDC Đức cho thấy là một bước đi đúng đắn. Hơn nữa, ông cũng hy vọng có thể bỏ lại cuộc chiến ở Angola phía sau. Ông bị sốc khi đến nơi làm việc ở Eberswalde: một lò mổ khổng lồ, chắc chắn không phải là một nơi mà Jone có thể học được điều gì đó ý nghĩa. Nhưng chẳng còn cách nào khác. Ngay tại sân bay, 103 người Angola đến làm việc tại Eberswalde đã bị thu hộ chiếu. Ban đầu, họ tham gia một khóa học tiếng Đức kéo dài ba tháng, và sau đó bắt đầu công việc ba ca một ngày tại lò mổ.

 

Sau này, chúng tôi gọi đây là chế độ nô lệ hiện đại.

Augusto Jone Munjunga, Eberswalde 2022

Cam kết và trách nhiệm

Augusto Jone Munjunga được chọn làm người phát ngôn cho nhóm của mình. Ông đứng ra làm trung gian khi có vấn đề phát sinh, phụ trách các hoạt động giải trí, và thiết lập liên hệ với Đoàn Thanh niên FDJ [2]. Chẳng mấy chốc, ông biết được ai là người có thể hỗ trợ họ ở Eberswalde, và với ai thì việc sẽ khó khăn hơn. Các chàng trai trẻ có mối quan hệ đặc biệt tốt với người chủ hiệu ảnh, họ thường ghé nơi này để gửi ảnh về nhà. Nhóm cũng có một đội bóng đá và bóng rổ, còn Jone và các đồng nghiệp lập một ban nhạc. „Mọi người không biết nhạc reggae là gì và nhún nhảy theo như thế nào. Chúng tôi chơi loại nhạc đó. Nhưng chúng tôi cũng bắt chước âm nhạc của Đông Đức.” Ban nhạc cũng biểu diễn tại các sự kiện lớn hơn. Thỉnh thoảng, xí nghiệp tổ chức các chuyến dã ngoại, chẳng hạn như đến Đài tưởng niệm Sachsenhausen.

Đình công đòi tăng lương

Có ba xí nghiệp ở Eberswalde thuê công nhân lao động hợp tác. Vào những năm 1980, những công nhân này đến từ Algeria, Angola, Cuba, Mozambique và Việt Nam. Họ đa phần sống trong ba ký túc xá và ở cùng với đồng hương của mình. Những người Angola là nhóm cuối cùng đến thành phố. Họ thường mua quần áo có logo của các thương hiệu phương Tây từ các công nhân Ba Lan. Qua đó, họ biết rằng mình được trả lương thấp hơn một nửa so với các đồng nghiệp Ba Lan cho cùng một công việc nên đã đình công để phản kháng. Cuộc đình công nhanh chóng bị dập tắt. Một số người Angola nhanh chóng bị trục xuất về nước. Những người còn lại đoán rằng các bạn của họ sẽ bị bắt đi nghĩa vụ quân sự như một hình phạt. Điều này khiến cả nhóm sợ hãi vì ai cũng mường tượng được việc ra chiến trường nguy hiểm đến thế nào.

Augusto Jone Munjunga kể về cuộc đình công đòi quyền bình đẳng trong tiền lương và công việc.

Chúng tôi đã bị cô lập.

Augusto Jone Munjunga, Eberswalde 2022

Khen thưởng cho sự kỷ luật

Sau khi những người lãnh đạo cuộc đình công bị trục xuất, những cá nhân làm việc đặc biệt có kỷ luật nhận được khen thưởng. Họ được trao giấy chứng nhận và tặng hoa tại các buổi lễ kỷ niệm của xí nghiệp. Đại diện của Đại sứ quán Angola cũng chú trọng việc duy trì kỷ luật. Vấn đề cơ cấu thì vẫn chưa được giải quyết: việc đào tạo chuyên môn như đã hứa không diễn ra.

Bị phớt lờ sau giờ tan ca

Công nhân lao động hợp tác làm việc tại Eberswalde ở trong ba ký túc xá trực thuộc các xí nghiệp lớn tại Finow. “Người Đức và người Ba Lan ở trong khu nhà đầu tiên màu xanh da trời, khu màu đỏ ở giữa là những người làm trong lò mổ của chúng tôi, bao gồm người Angola và người Đức, còn tòa nhà màu nâu bên cạnh thì có người Đức, người Việt Nam và người Mozambique sống ở đó,” Augusto Jone Munjunga kể lại. Người Angola có một phòng nhảy ở dưới tầng hầm, đây cũng là nơi tụ tập của các cư dân trong khu nhà. Dù thế, họ bị cô lập khỏi đời sống xã hội ở Eberswalde. Nhiều đồng nghiệp làm cùng ca với họ thường phớt lờ họ sau giờ làm.

Nhiếp ảnh gia nghiệp dư ở xí nghiệp

Jone mua một chiếc máy ảnh và liên lạc với Christian Fenger, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư. Người này làm việc tại Xí nghiệp Quốc doanh Luyện cán thép ở Eberswalde và hoạt động tích cực trong nhóm ảnh của nhà máy. Ban nhiếp ảnh nhận tiền từ nhà máy để mua tư liệu ảnh và các thành viên đầy tham vọng đều tự đứng ra tổ chức các buổi triển lãm của mình. Christian Fenger cũng tạo một phòng tối chuyên dụng trong ký túc xá của người Mozambique. Ông thường cho lời khuyên về nhiếp ảnh cũng như chụp lại nhiều bức ảnh của họ.

Augusto Jone Munjunga kể về cuộc sống hàng ngày, sự phân biệt chủng tộc và ông đã bắt đầu với nhiếp ảnh như thế nào.

Vụ sát hại Amadeu Antonio

Bức ảnh mà Augusto Jone Munjunga chụp người bạn Amadeu Antonio của mình đã lan truyền thế giới. Amadeu Antonio là bạn và là đồng nghiệp của Jone; ông cũng là công nhân lao động hợp tác người Angola làm việc trong lò mổ. Trong bức ảnh mà Jone chụp lại, Amadeu là chàng trai trẻ rạng rỡ bên chiếc mô tô của mình. Vào ngày 24 tháng 11 năm 1990, sau khi ghé thăm một quán rượu, ông bị một nhóm thanh niên cực đoan cánh hữu, phân biệt chủng tộc sát hại. Amadeu Antonio là một trong những nạn nhân đầu tiên qua đời trong những năm Baseballschlägerjahre (Những năm bóng chày) – giai đoạn thập niên 90, khi tội ác phân biệt chủng tộc cực hữu phổ biến ở một số nơi.

 

Đây là đất nước Đức tuyệt vời sau khi Bức tường sụp đổ.

Augusto Jone Munjunga, Eberswalde 2022

Sợ hãi cái chết

Sau khi Bức tường sụp đổ, Eberswalde trở thành một điểm nóng của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu, nơi thường xuyên xảy ra bạo lực phân biệt chủng tộc, kể cả trong siêu thị. Jone kể lại về cuộc sống hàng ngày khi ấy: “Bạn đi mua sắm và đến quầy tính tiền để thanh toán. Mọi người sẽ bỏ đi. Bạn phải để người Đức thanh toán trước. Có thể bạn sẽ là người thanh toán cuối cùng. Hoặc họ sẽ nói ‘Không, chúng tôi không muốn phục vụ’, bạn sẽ phải để lại mọi thứ. Bạn có thể làm gì cơ chứ? Chẳng có cách nào cả.“

Những công nhân lao động hợp tác luôn phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực. “Với chúng tôi, đi ra ngoài đường một mình giống như tự sát. Đến một nhà hàng hay quán rượu còn tệ hơn, chúng tôi thực sự không thể đến những nơi đó. Đó là thập niên 90 của chúng tôi. Và cũng là khoảng thời gian những đứa con của chúng tôi chào đời.“

Với tôi, khi đó giống như một cuộc chiến.

Augusto Jone Munjunga, Eberswalde 2022

Tình hình khó khăn – Tự tổ chức

Với việc nước Đức thống nhất, tình hình pháp lý và xã hội của người lao động hợp tác Angola cũng trở nên căng thẳng. Chính phủ Đức chấm dứt các thỏa thuận song phương. Nhiều công nhân hiệp định bị mất việc làm, kéo theo đó là họ không còn nơi ở và giấy phép cư trú. Trong tình trạng này, khi bị tước mất mọi quyền lợi, nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại Angola. Cuộc nội chiến vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến cuộc sống ở đó. Augusto Jone Munjunga ở lại Eberswalde. Năm 1994, ông thành lập hiệp hội Palanca làm nơi gặp gỡ, cung cấp thông tin cho người tị nạn và người di cư ở Eberswalde

Augusto Jone Munjunga hiện sinh sống ở Berlin – Eberswalde và là một nhân viên công tác xã hội.

Credits:
Phỏng vấn được thực hiện bởi Jessica Massóchua tai Eberswalde vào năm 2022.
Viết: Isabel Enzenbach
Nghiên cứu và thu thập ảnh: Jessica Massóchua
Lên kịch bản video:  Julia Oelkers

 

Cũng từng trải qua bạo lực phân biệt chủng tộc