Tomás Django sinh ra và lớn lên vào những năm tám mươi. Breakdance và sự khởi đầu của hip-hop truyền cảm hứng cho giới trẻ Mozambique. Trong sáu năm, ông theo học Trường Hữu nghị ở Staßfurt và hoàn thành khóa đào tạo nghề ở CHDC Đức. Ngay sau đó, ông và chín trăm thanh niên Mozambique khác phải rời khỏi đất nước. Họ được gửi trở lại Maputo và phải nhập ngũ giữa cuộc nội chiến.

Được chọn đến CHDC Đức

Năm mười một tuổi, Tomás Django được chọn đi học nghề ở CHDC Đức vì là học sinh xuất sắc nhất ở trường. Ban đầu, mẹ ông không thích chuyện này, việc ở xa con trai là điều khó khăn với bà. Tomás cũng thường xuyên khóc trong những tuần chuẩn bị đầu tiên ở một trường nội trú miền nam Mozambique. Ở đó, ông làm quen với những đứa trẻ khác sẽ đến Đông Đức cùng mình. Họ đến từ khắp mọi miền đất nước, từ các dân tộc và nền văn hóa khác nhau. Có hơn bốn mươi ngôn ngữ bản địa ở Mozambique. “Ở đó, tất cả chúng tôi đều bình đẳng,” ông nhớ lại, “bầu không khí vui vẻ và hài hòa.”

Vào tháng 8 năm 1982, cậu bé Tomás mười hai tuổi cuối cùng cũng lên đường. Trước khi khởi hành, bọn trẻ mặc quần áo và Tomás lần đầu tiên nhận được một đôi giày mới. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn nhớ như in cảm xúc của mình khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Berlin-Schoenefeld.

Chúng tôi ngồi trên máy bay và cảm thấy như thể mình là người quan trọng. Đó là một khoảnh khắc đẹp.

Tomas Django, Maputo 2021

Tomás Django kể về gia đình mình ở Mozambique và khi ông mới tới Staßfurt.

Mô hình trường học thử nghiệm

Trường Hữu nghị [1] là một dự án có uy tín của hai chính phủ Mozambique và CHDC Đức nhằm thể hiện tình hữu nghị được tuyên truyền giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Chín trăm trẻ em Mozambique trong độ tuổi từ mười hai đến mười bốn được gửi đến một trường học được xây dựng đặc biệt ở Staßfurt, bao gồm cả nội trú. Các trẻ em được bảo rằng mình rất đặc biệt, rất nhiều tiền được chi trả cho việc học của họ, để sau này họ đảm nhận các vị trí lãnh đạo ở Mozambique và xây dựng đất nước. Tất cả học sinh đã chụp tấm hình đầu tiên của cả lớp ở studio của Karin Marzahn.

Văn hóa thanh niên xã hội chủ nghĩa

Ở Staßfurt, trẻ em Mozambique sống biệt lập trong trường nội trú. Họ chỉ được tiếp xúc với người Đức trong những chuyến thăm gia đình người bảo lãnh của họ. Thỉnh thoảng, các lớp bảo trợ hoặc phái đoàn của Đoàn Thanh niên Đức Tự do FDJ cũng tới thăm trường. Hiếm có tình bạn giữa họ và trẻ em Đức. Cuộc sống hàng ngày của họ phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt.

Trại hè và các buổi chiều khiêu vũ

Đối với Tomás Django, chuyến đi trại hè lần đầu tiên vào năm 1983 là một trải nghiệm đáng nhớ. Trẻ em từ nhiều nước khác nhau tụ hội, tạo nên một bầu không khí quốc tế và đặc biệt. “Có cả một bạn từ Cộng hòa Liên bang Đức tư bản ở đó,” Tomás nhớ lại. „Chúng tôi đã thể hiện văn hóa của mình và truyền cảm hứng cho những bạn khác,” ông kể.

Sau này, các sự kiện khiêu vũ được tổ chức hàng tuần tại trường. Thanh thiếu niên Đức chỉ được tham gia theo nhóm và luôn có sự giám sát của người lớn. Nhưng khi họ dần trưởng thành, họ không còn có thể bị kiểm soát dễ dàng như vậy nữa.

 

Nhảy breakdance tại Roxy

Tomás Django và nhóm của ông từ lâu đã theo đuổi bộ môn nhảy theo cách riêng của họ. Breakdance và hip-hop du nhập vào CHDC Đức với bộ phim Beat Street. Bộ phim được chiếu tại rạp ở Staßfurt vào năm 1985 và thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Các học sinh đã tổ chức một Câu lạc bộ nhảy Roxy và các buổi nhảy đối kháng giống như trong phim Beat Street ngay tại tầng hầm của trường. Họ bí mật dành cả đêm trước đài phát thanh để thu âm những bài hát mới nhất vào băng cassette. Khi một câu lạc bộ thanh niên mới mở bên cạnh trường học, nơi đây đã trở thành điểm gặp gỡ cho cả những người trẻ Đức. Các học sinh trèo qua hàng rào, lờ đi các biện pháp kiểm soát lối ra vào của trường nội trú. Trên sàn nhảy, những chàng trai Mozambique thường giành chiến thắng. Họ tự thiết kế những bộ quần áo cho mình. Tomás và những người bạn rất thích tạo dáng trước ống kính của các bạn cùng lớp trong nhóm chụp ảnh.

Tomás Django kể về thời trang và phong cách của mình, đồng thời nhớ rằng một số người Đông Đức đã tỏ thái độ khó chịu và ghen tị.

Vụ sát hại Carlos Conceição

Nhiều người Đức tỏ ra hoài nghi về dự án Trường Hữu nghị. Có tin đồn rằng trẻ em trong trường nội trú nhận được nhiều sự ưu ái hơn so với dân chúng. Bên ngoài trường học, thanh thiếu niên Mozambique phải đối mặt với ngày càng nhiều sự phân biệt chủng tộc. Vào đêm ngày 19, rạng sáng ngày 20 tháng 9 năm 1987, Carlos Conceição, khi đó mới mười bảy tuổi và là bạn cùng lớp của Tomás, đã bị xúc phạm khi đi khiêu vũ, bị tấn công và xô qua lan can cầu trên đường về nhà. Thợ lặn tìm thấy thi thể của Carlos vào ngày hôm sau. Một thủ phạm duy nhất sau đó đã bị kết án năm năm tù trong một phiên tòa được xét xử kín. Các học sinh được dặn phải giữ im lặng về vụ án. “Cho đến ngày nay, không ai nói cho chúng tôi biết chính xác chuyện gì đã xảy ra,” Tomás Django nói. [2]

Bị gửi trở lại cuộc nội chiến

Sau khi học xong, Tomás Django còn hoàn thành khóa đào tạo trở thành thợ lắp máy nông nghiệp. Sau đó, những người trẻ phải quay trở lại Mozambique. Họ không biết những gì chờ đợi mình ở đó. Bốn ngày trước Giáng sinh, ngày 20 tháng 12 năm 1988, Tomás Django đến Maputo. Như nhiều người khác, ông được gửi thẳng từ sân bay vào quân đội. Trong nước đang diễn ra một cuộc nội chiến. Tomás không biết cha mẹ mình ở đâu. Phải một năm sau đó, ông mới được gặp lại mẹ.

Bằng cấp không được công nhận

Tình hình chính trị thay đổi ở Mozambique: bằng tốt nghiệp và chứng chỉ đào tạo từ CHDC Đức không được công nhận. Những học sinh về nước không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào. Quá trình học tập của họ ở Đông Đức bị coi như một lỗ hổng. Những gì còn lại chỉ là các album ảnh và kỷ niệm.

Sau một thời gian, tôi mới nhận ra giá trị của những bức hình. Bây giờ, tôi mới có thể cho các con mình xem chúng. Đó là một kho báu đối với chúng tôi.

Tomás Django, Maputo 2021

Tomás Django làm nhân viên bảo vệ trong một khách sạn nghỉ dưỡng lớn được hai mươi năm và sống ở Maputo.

Credits:
Phỏng vấn được thực hiện bởi Catarina Simão tại Maputo vào năm 2021.
Viết: Julia Oelkers
Nghiên cứu và thu thập ảnh: Catarina Simão, Julia Oelkers
Lên kịch bản video: Julia Oelkers